HÈ ĐẾN: PHÒNG TRÁNH TAI NẠN THƯỜNG GẶP Ở TRẺ EM

Người lớn luôn để mắt đến trẻ khi đi bơi mùa hè để phòng đuối nước, che lưới, đậy nắp bể nước, giếng và hồ cá cẩn thận.

BS.CKI Nguyễn Văn Tông, khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết trẻ được nghỉ học, tự do vui chơi dịp hè nhưng nếu thiếu kỹ năng tự bảo vệ, không có người lớn giám sát có nguy cơ gặp tai nạn trong sinh hoạt.

Trẻ 1-5 tuổi dễ bị tai nạn như bỏng, hóc dị vật, té ngã, kẹt tay chân vào cánh quạt và cửa, đứt tay chân do vật sắc nhọn. Trẻ lớn hơn thường bị tai nạn giao thông, đuối nước, điện giật, chấn thương do leo trèo, ngộ độc hóa chất... Trong đó, số lượng trẻ tử vong do đuối nước thường xếp hàng đầu so với các loại tai nạn thương tích khác. Theo Bộ Lao động, Thương Binh và Xã hội, mỗi năm có gần 2.000 trẻ dưới 16 tuổi bị tử vong do đuối nước.

      Hướng dẫn trẻ chơi và bơi an toàn

Khi bị tai nạn, trẻ phải điều trị dài ngày, trường hợp tổn thương nặng có nguy cơ tử vong hoặc để lại di chứng lâu dài, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự phát triển thể chất, tinh thần. Cha mẹ lưu ý phát hiện sớm và điều trị kịp thời giúp trẻ có cơ hội hồi phục cao. Ngược lại, đưa trẻ đến cơ sở y tế muộn hoặc sử dụng những phương pháp dân gian không phù hợp có thể khiến điều trị khó khăn, dẫn đến hậu quả đáng tiếc.

Bác sĩ Tông khuyên phụ huynh tự trang bị cách sơ cấp cứu cơ bản để có thể ứng phó với những tình huống bất trắc xảy ra, dành thời gian giáo dục trẻ về các mối nguy hiểm.

  • Phụ huynh nên dạy bơi cho trẻ an toàn, nhắc nhở con mặc áo phao, khởi động kỹ trước khi bơi để tránh chấn thương. Khi trẻ bơi, người lớn nên giám sát chặt chẽ. Nếu bể bơi không có hàng rào, cần che chắn lại khi không sử dụng. Giáo dục trẻ không được bơi ở sông, hồ lớn khi không có người lớn đi kèm. Che lưới, đậy nắp bể nước, giếng, hồ cá cẩn thận. Cha mẹ nên để mắt đến trẻ nhỏ khi tắm trong chậu, bồn tắm.

Nếu trẻ đuối nước cần nhanh chóng đưa ra khỏi nước, đặt nằm ngửa trên nền cứng và kiểm tra xem bé còn thở hay tỉnh táo không. Nếu bé không thở, bắt đầu hồi sức tim phổi (ép tim hoặc thổi ngạt) sớm và gọi người hỗ trợ. Tỷ lệ thổi ngạt hai lần và ép tim 15 lần.

Bác sĩ Tông lưu ý phụ huynh không nên dốc ngược trẻ lên vai rồi chạy do có thể làm cho các dịch ở dạ dày trào ngược vào đường thở, chậm trễ thời gian vàng cấp cứu. Ngay cả khi bé tỉnh lại, nên lau khô người, thay quần áo, ủ ấm và nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế gần nhất.

  • Phụ huynh không cho bé chơi trò nguy hiểm, leo trèo ở những nơi không an toàn như mái nhà, cột điện, tự leo lên gác, cây cao... Làm rào chắn an toàn tại các cửa sổ, khu vực ban công, bậc thềm cầu thang cần có lan can, tay vịn. Bàn ghế hỏng, không chắc chắn cần sửa chữa ngay. Giám sát chặt chẽ trẻ trong độ tuổi mới tập bò, tập đi.

Nếu trẻ bị ngã, chấn thương phần mềm như sưng, bầm tím nên chườm khăn lạnh lên vết thương. Nếu vết thương hở hoặc chảy máu cần sát khuẩn bằng dung dịch rửa vết thương, nước muối sinh lý và băng sạch để chống nhiễm trùng, cầm máu. Trường hợp trẻ có dấu hiệu bong gân, gãy xương, trật khớp, chảy máu..., phụ huynh nên đưa con đến cơ sở y tế gần nhất.

  • Để tránh tai nạn bỏng, đồ nấu ăn nên cất hợp lý, để xa tầm tay với của trẻ; không để con nhỏ tiếp xúc với diêm, bật lửa hay tự tắm vòi nóng lạnh.

Nếu bé bị bỏng, cần ngâm ngay vùng da bỏng vào nước sạch, mát càng sớm càng tốt trong vòng 20-30 phút. Nếu trẻ bỏng hóa chất dạng lỏng, dung dịch, phải dội nước sạch mát để loại bỏ hết hóa chất bám trên cơ thể. Trường hợp hóa chất khô thì nhanh chóng lấy chúng ra khỏi cơ thể. Cởi bỏ quần áo, giầy tất, trang sức tại vùng trẻ bỏng trước khi da bị phồng rộp.

Bé uống đủ nước, uống thuốc giảm đau như paracetamol theo đúng liều lượng 10-15 mg/kg và dùng băng ép vết bỏng. Không thoa kem đánh răng, rượu trắng hay các loại thuốc thảo dược không rõ nguồn gốc vào vết bỏng. Trường hợp vết bỏng rộng hơn một bàn tay của bé, bỏng ở mặt, bộ phận sinh dục, vết thương có dấu hiệu nhiễm trùng, chảy mủ, sốt, gia đình cần đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế.

  • Phòng tránh điện giật cho trẻ bằng cách luôn kiểm tra các đồ dùng điện, bịt kín ổ điện, thiết kế hệ thống điện phải an toàn như treo bảng điện trên cao, không để dây trần, dây điện hở. Ưu tiên sử dụng thiết bị điện thông minh có khả năng tự ngắt, biểu tượng cảnh báo nguy hiểm.

Tránh cho trẻ tiếp xúc với động vật, đến gần các bụi rậm. Nếu bé bị động vật cắn, cần nhanh chóng rửa sạch vết thương bằng nước sạch, xà phòng sau đó phủ lên vết thương miếng vải sạch hoặc băng gạc. Trường hợp vết thương ở tay hoặc chân, cần nẹp bất động chân tay, rửa sạch bằng nước hoặc các dung dịch sát khuẩn và đưa nạn nhân đến cơ sở y tế.

  • Để phòng tai nạn giao thông, cần nhắc nhở trẻ không tự ý đi ra ngoài khi không có người lớn đi cùng. Không đạp xe trong ngõ nhỏ nơi ngã ba, khuất tầm nhìn hoặc khi không có người lớn. Không để trẻ sử dụng xe máy, xe đạp điện khi chưa đủ tuổi. Khi trẻ đủ điều kiện điều khiển xe, nên nhắc nhở bé đội mũ bảo hiểm an toàn.

Thường xuyên kiểm tra đồ chơi của trẻ để phòng trường hợp đồ chơi vỡ, tạo những góc cạnh nhọn sắc gây đứt tay hay chọc vào mắt. Đồ chơi có pin tiểu nhỏ cần chú ý vì trẻ có thể lấy pin nuốt hoặc nhét vào lỗ mũi. Tủ thuốc gia đình nên thiết kế ở vị trí cao và khóa cẩn thận khi không sử dụng.

Sưu tầm – Theo Vnxpress

 

0
Multi chanel back to top
Chat zalo

Liên hệ hỗ trợ